Trao đổi: Công tác y tế trường học – những khó khăn còn đó.

               Trong những năm qua, công tác y tế học đường trên địa bàn huyện Kon Rẫy đang nhận được quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành. Trung tâm y tế dự  phòng tỉnh đã phối hợp với ngành GD&ĐT mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ y tế học đường cho cán bộ y tế trường học; tăng cường công tác kiểm tra, tư vấn về quản lý và chăm sóc sức khoẻ trong trường học, vệ sinh trường học, giáo dục sức khoẻ cho học sinh… đồng thời, các đơn vị trường đã có nhiều nỗ lực, tích cực thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học được đảm bảo, tai nạn thương tích được hạn chế tối đa; học sinh được cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, được khám sức khỏe định kỳ vv…Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.Công tác y tế học đường có vị trí khá quan trọng trong trường học. Nếu làm tốt công tác y tế học đường thì không những hạn chế được rất nhiều bệnh tật cho học sinh mà còn góp phần rất lớn vào việc nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Một số kiến thức, kỹ năng sẽ theo các em suốt cả cuộc đời. Như ta thấy, đa số các bệnh ở tuổi trưởng thành đều bắt nguồn từ độ tuổi đến trường như: suy dinh dưỡng, cận thị, cong vẹo cột sống, bướu cổ, lao, các bệnh tim mạch, tiêu hoá vv…Trường học là nơi tập trung đông trẻ em, nếu công tác y tế trong trường học không được quan tâm thì đây là môi trường lí tưởng để lây lan nhanh các bệnh truyền nhiễm như: cúm, sởi, quai bị, ho gà, bạch hầu, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, giun sán…

            ( làm việc với đoàn kiểm tra của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và Sở GD&ĐT)

           Trong đợt kiểm tra công tác y tế học đường do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và Sở GD&ĐT thực hiện (từ ngày 8/4 đến ngày 13/4/2016 vừa qua) đã làm rõ hơn bức tranh y tế học đường trong các đơn vị trường trực thuộc phòng GD&ĐT Kon Rẫy. Trong đó có những khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, về điều kiện nhân sách eo hẹp. Cụ thể:

           1. Theo quy định tại khoản 1, điều 3, mục 1 của Thông tư số: 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT và khoản 1, điều 4, chương 2 Thông tư số: 22/2013/TTLT-BGDĐT-BYT thì các đơn vị trường phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe học sinh. Việc này rất quan trọng, bởi vì nếu hoạt động này được thực hiện sẽ giúp chúng ta có thể phát hiện được một số bệnh để có biện pháp điều trị (Trường THCS Đăk Tơ Lung qua khám sức khỏe cho học sinh đã phát hiện một trường hợp dị tật tim bẩm sinh, kết quả là em học sinh đó đã được đưa đi điều trị, đã khỏi bệnh). Thế nhưng hiện nay, nội dung này đang bị vướng bởi một số quy định. Thứ nhất là vấn đề kinh phí, hiện nay lệ phí khám sức khỏe cho mỗi học sinh 65.000 đồng. Trong khi đó, nguồn kinh phí để thực hiện cho việc này của các trường không có, bản thân gia đình học sinh càng khó khăn hơn. Thứ hai là thẩm quyền khám sức khỏe học sinh hiện nay thuộc về Trung tâm y tế huyện. Mà Trung tâm y tế thì ở xa trường học.

              2. Có hơn 90% đơn vị trường không có phòng y tế riêng biệt. Điều kiện về cơ sở hạ tầng trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho các hoạt động dạy học và nuôi dưỡng học sinh.

             3. Tỷ lệ trường có cán bộ y tế chuyên trách mới đạt mức 41%. Với điều kiện ngân sách hiện nay, mặc dù rất cần cán bộ y tế chuyên trách nhưng ngành GD&ĐT đành chấp nhận phương án bố trí giáo viên kiệm nhiệm công tác y tế vì không có tiền để trả tiền lương cho nhân viên y tế vv…

            4. Ở các trường không có cán bộ y tế chuyên trách không được Bảo hiểm xã hội huyện cấp tiền hỗ trợ khám chữa bệnh được trích lại từ nguồn thu BHYT học sinh nên càng gặp khó khăn hơn trong việc bố trí kinh phí cho hoạt động y tế trường học.

           Để công tác y tế học đường phát triển đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả, thiết nghĩ, cần thực hiện một số giải pháp sau:

            1. Các đơn vị trường bố trí góc truyền thông ở hành lang, sân trường. Tranh, ảnh truyền thông thì đề nghị trạm y tế cung cấp; bố trí bảng tin y tế riêng hoặc cùng bảng tin chung của trường; các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh cần được lưu vào hồ sơ y tế nhà trường; bố trí thêm đèn cho các phòng chưa đủ ánh sáng vv…Như vậy, vấn đề là chỉ cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo trường là đủ. Đây chính là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của mảng y tế trong trường học.

           2. Cán bộ y tế cần phải bám sát các văn bản pháp quy và bảng kiểm y tế trường học để thực hiện nhiệm vụ của mình.

           3. Trung tâm y tế dự phòng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, các đợt kiểm tra tư vấn y tế học đường cho các đơn vị.

          4. Lãnh đạo các đơn vị trường làm tốt công tác phối hợp với trạm y tế trong việc chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho học sinh. Đề nghị Trạm y tế thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh trong khả năng của trạm.

         

            Với tầm quan trọng của nó, y tế trường học cần phải nhận được sự quan tâm lớn hơn nữa của các cấp, các ngành. Như đã trình bày ở đầu bài viết, làm tốt công tác y tế học đường cũng có nghĩa là đã làm tốt công tác phòng bệnh cho cộng đồng, xã hội; đồng thời cũng đã trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe để các em làm hành trang vào đời./.

                                          Nguyễn Trọng Long– Chuyên viên phòng GD&ĐT