Trong những năm qua, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số Bahnar được triển khai thực hiện ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện Kon Rẫy (Trường Tiểu học Ka Pa Kơ Lơng, Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trường phổ thông dân tộc bán trú – tiểu học Đăk Pne).
Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc dạy – học tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông là hết sức cần thiết. Bởi vì ngoài việc trang bị cho học sinh dân tộc thiểu số về kiến thức chữ viết, rèn luyện cho học sinh các kỹ năng: nghe – nói – đọc – viết tiếng dân tộc của chính các em; góp phần rèn luyện tư duy và học tốt môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác trong trường học. Đồng thời hình thành cho học sinh dân tộc thiểu số năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ; phục vụ các mục đích giao tiếp phù hợp với chuẩn mực của cộng đồng, góp phần bồi dưỡng nhân cách con người Việt Nam hòa nhập với đại gia đình các dân tộc và còn một điều hết sức quan trọng, đó là bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số; góp phần phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; bồi dưỡng lòng yêu tiếng mẹ đẻ; yêu văn hóa truyền thống cho học sinh người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong Tỉnh, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông ở huyện Kon Rẫy còn gặp phải khá nhiều khó khăn, vướng mắc như sau:
Thư nhất là về vấn đề giáo viên. Ở đây xin chưa bàn đến vấn đề chất lượng giảng dạy của giáo viên mà chỉ đề cập đến số lượng. Hiện nay, số lượng giáo viên dạy được tiếng dân tộc trên địa bàn huyện rất ít (khoảng 10 người). Trong đó, có 02 người đã về hưu và tất cả họ đều chưa được đào tạo dạy tiếng dân tộc.
Thứ hai là về vấn đề sách giáo khoa, vở bài tập. Sách giáo khoa tiếng Bahnar đang sử dụng để dạy – học hiện nay có khá nhiều bất cập.
– Quyển 1 (sử dụng cho học sinh lớp 3) do các tác giả là người Bahnnar ở Gia Lai biên soạn nên có nhiều phương ngữ Bahnar Gia Lai, có những từ ngữ hoàn toàn lạ lẫm đối với người Bahnar Kon Tum. Điểu này khiến một số giáo viên gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy.
– Các hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa là ảnh vẽ. Do vậy, nhiều hình ảnh được thể hiện không chính xác, không rõ, thậm chí không phù hợp với nội dung bài dạy.
– Trong những năm qua, sách giáo khoa và vở bài tập được Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT cấp không cho học sinh; từ năm học 2014 -2015, học sinh phải tự mua. Việc mua sắm sách giáo khoa và vở bài tập đang gặp khó khăn vì đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số nên nhiều em không có tiền để mua sách. Trong khi đó, nếu đặt mua với số lượng ít thì nhà xuất bản sẽ không in; thủ tục hồ sơ mua bán phức tạp; ngân sách dành cho việc mua sách không có vv…
– Đồ dùng dạy học phục vụ cho việc dạy học tiếng dân tộc hiện nay chưa có. Các đơn vị đang khắc phục bằng cách sưu tầm, tận dụng các đồ vật, cây cối hoa, củ, quả vv… sẵn có trong các gia đình, trong thiên nhiên; các vật liệu sẵn có tại địa phương để làm đồ dùng dạy học; sử dụng các loại tranh ảnh của các môn học khác; photo tranh ảnh trong sách giáo khoa để làm ĐDDH.
Thứ ba là vấn đề cán bộ quản lý: Kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Bahnar của một số cán bộ quản lý không phải là người dân tộc bản ngữ còn rất hạn chế. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, chỉ đạo dạy học tiếng dân tộc.
Thứ tư là sự quan tâm của chính quyền cơ sở, của cha mẹ học sinh đối với việc dạy học tiếng dân tộc. Một số chính quyền ở cơ sở, cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc dạy và học tiếng dân tộc.
Để hoạt động dạy – học tiếng dân tộc trong trường phổ thông đạt chất lượng. Cá nhân tôi xin mạo muội đề xuất một số giải pháp như sau:
- Đối với Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum: Phối hợp với Trường CĐSP Gia Lai để mở 01- 02 lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc cho giáo viên và cán bộ quản lý trường học(nếu trường chưa có giáo viên dạy ngành này).
- Đối với Sở GD&ĐT Kon Tum:
– Tổ chức cho một số giáo viên dạy tiếng dân tộc Bahnar rà soát, hiệu đính, chú giải phương ngữ Bahnar Gia Lai sang phương ngữ Bahnar Kon Tum.
– Tham mưu UBND Tỉnh dành một phần kinh phí để mua sách giáo khoa, vở bài tập Bahnar cho học sinh.
– Đề nghị với nhà xuất bản sách giáo khoa trình bày hình ảnh minh họa bằng bản in, chụp thay cho tranh vẽ.
- Bộ GD&ĐT đẩy nhanh việc làm đồ dùng dạy học tiếng dân tộc để cấp cho các đơn vị trường.
Các đơn vị trường tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, mục đích dạy tiếng dân tộc trong nhân dân; kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong việc dạy học tiếng dân tộc./
Nguyễn Trọng Long- Phòng GD&ĐT